Tin thị trường

Thị trường dược phẩm Việt Nam tăng trưởng cao nhất Đông Nam Á

Cập nhật : 11/10/2017

Thị phần ngành công nghiệp dược Việt Nam tăng trưởng khoảng 24%/năm, tuy nhiên doanh số thu được gần như thấp nhất khu vực với 0,8 tỷ USD/năm, trong khi Trung Quốc là 18,8 tỷ USD, Ấn Độ 7,6 tỷ USD, Philippines 2,3 tỷ USD.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện Việt Nam đang đứng thứ 16 trong số 22 nước có ngành công nghiệp dược đang phát triển dựa theo tiêu chí tổng giá trị tiêu thụ thuốc hàng năm (4,8 tỷ USD).

Thị trường dược phẩm Việt Nam hiện có mức tăng trưởng cao nhất Đông Nam Á, khoảng 17%/năm, dự báo sẽ tăng lên khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020. Cơ cấu thị trường thuốc chủ yếu là thuốc generic, chiếm 51% và biệt dược là 22%, theo số liệu năm 2012. Kênh phân phối chính là hệ thống các bệnh viện dưới hình thuốc được kê đơn (ETC) chiếm trên 70%, còn lại được bán lẻ ở các quầy thuốc (OTC).

Tiêu thụ các loại thuốc Việt Nam vẫn chủ yếu tập trung vào điều trị các bệnh liên quan đến chuyển hóa và dinh dưỡng chiếm tỷ trọng cao nhất là 20%.

Doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước chia làm 4 nhóm: Nhóm cổ đông lớn là Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), nhóm doanh nghiệp có cổ đông lớn là Tổng Công ty Dược Việt Nam, nhóm cổ đông lớn là các cơ quan nhà nước và nhóm cổ đông lớn không thuộc nhà nước.

Hiện Việt Nam có khoảng 178 doanh nghiệp sản xuất thuốc, trong đó có 98 doanh nghiệp sản xuất thuốc tân dược; 80 doanh nghiệp sản xuất thuốc đông dược, doanh nghiệp FDI. Ngoài ra, có trên 300 cơ sở sản xuất thuốc đông dược.

Biên lợi nhuận của ngành dược tương đối ổn định và đang được cải thiện trong vài năm nay do tận dụng được việc tối ưu giá vốn đầu vào, chính sách ưu đãi của Chính phủ (thuế TNDN), chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp dược có lợi thế cạnh tranh trong sản xuất chủ yếu từ chi phí sản xuất giá rẻ. Sản xuất thuốc theo tiêu chuẩn EU-GMP hiện đang có chi phí rẻ hơn 30% so với các doanh nghiệp dược phẩm tại Ấn Độ 40% so với Nhật Bản, 20% so với Trung Quốc.

Các yếu tố làm chi phí sản xuất của doanh nghiệp dược Việt Nam rẻ là chi phí nhân công chất lượng cao rẻ, chi phí xây dựng cơ bản thấp, chi phí vận hành thấp, chi phí về xử lý môi trường thấp và các quy định về đăng ký lưu hành thuốc tương đối mềm mỏng.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giá trị sản xuất trong nước chỉ chiếm 2,18% so với tổng doanh thu công nghiệp sản xuất quốc gia năm 2014. Thị phần ngành công nghiệp dược tăng trưởng khoảng 24%, tuy nhiên doanh số thu được gần như thấp nhất khu vực với 0,8 tỷ USD/năm, trong khi Trung Quốc là 18,8 tỷ USD, Ấn Độ 7,6 tỷ USD, Philippines 2,3 tỷ USD.

Quy mô các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn thuộc nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ cả về tài chính lẫn nhân lực. Các nhà máy trong nước đều sản xuất danh mục sản phẩm tương đối giống nhau.

Hậu quả là phần lớn các doanh nghiệp tập trung sản xuất thuốc thông thường, trong khi đó có quá ít cơ sở sản xuất thuốc có dạng bào chế đặc biệt và thuốc chuyên khoa đặc trị do đó rất khó cạnh tranh với thị trường quốc tế.

Trong "Chiến lược quốc gia phát triển ngành Công nghiệp Dược đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030", Chính phủ đang có kế hoạch đầu tư tới 1,5 tỷ USD cho ngành Dược trong 10 năm tới đây, nhằm giảm sự phụ thuộc vào thuốc nhập khẩu. Chính phủ cũng cam kết tăng tỷ lệ thuốc sản xuất trong nước từ 50% cuối năm 2015 lên 80% năm 2020.

(Nguồn: Internet)

Cơ hội gặp gỡ